Đào tạo Tiến sĩ
Thông tin cá nhân
Thứ hai, 18/02/2019 | 04:01 GMT+7
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ TUYỂN SINH TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH NĂM 2019
Căn cứ Quyết định số 534/QĐ-TTg ngày 03/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Đông Đô;
Căn cứ Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Điều lệ trường đại học;
Căn cứ Quyết định số 4886/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 11 năm 2017 về việc “Cho phép Trường Đại học Đông Đô đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ;
Căn cứ vào Quy chế đào tạo tiến sĩ số 09/QĐ-ĐĐ ngày15/01/2018 của Trường Đại học Đông Đô;
Trường Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ năm 2019 với các nội dung dưới đây.
1. Mục tiêu đào tạo
Trường Đại học Đông Đô đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh là nhằm đào tạo những nhà khoa học, doanh nhân có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo để phát triển tri thức và ứng dụng trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Thời gian và hình thức đào tạo
Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ (kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh) là 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học và 3 năm học đối với người có bằng thạc sĩ.
Việc tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 2 năm đầu của chương trình đào tạo.
3. Điều kiện dự tuyển
Người dự tuyển nghiên cứu sinh phải có các điều kiện sau:
3.1. Có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển trình độ tiến sĩ.
Các bằng tốt nghiệp không thuộc chuyên ngành gần nhưng có chuyên môn gần với chuyên ngành đăng ký dự tuyển được Hội đồng Tuyển sinh xem xét cụ thể sau khi người dự tuyển nộp hồ sơ. Trong trường hợp người dự tuyển chưa có bằng thạc sĩ hoặc có bằng thạc sĩ phù hợp nhưng không thuộc chuyên ngành đúng với chuyên ngành dự tuyển nghiên cứu sinh, thì người dự tuyển cần học bổ sung kiến thức trình độ thạc sĩ sau khi trúng tuyển.
3.2. Là tác giả của 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu, đăng trên tạp chí khoa học có trong danh mục được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình (xem Bảng 2 - ), hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế có mã số ISBN, trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
3.3. Có đề cương nghiên cứu (khoảng 3.000 từ), gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a. Tên đề tài hoặc hướng nghiên cứu của người dự tuyển;
b. Họ và tên người hướng dẫn được đề xuất;
c. Lý do lựa chọn tên đề tài/hướng nghiên cứu;
d. Tổng quan công trình khoa học đã được công bố về đề tài hoặc hướng nghiên cứu được lựa chọn;
e. Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu;
g. Phương pháp nghiên cứu dự kiến thực hiện;
h. Dự kiến đóng góp của nghiên cứu;
h. Giới thiệu tóm tắt về mục tiêu và đóng góp của bài báo đã công bố của người dự tuyển theo quy định tại mục 5.2.
3.4. Có thư giới thiệu của 01 nhà khoa học (có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển dự định nghiên cứu) đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khả năng thực hiện nghiên cứu của người dự tuyển.
Thư giới thiệu phải có những nội dung sau:
a. Bối cảnh hợp tác hoạt động chuyên môn của người giới thiệu với người dự tuyển;
b. Các nhận xét, đánh giá của người giới thiệu về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển (phẩm chất đạo đức, năng lực hoạt động chuyên môn, phương pháp làm việc, khả năng nghiên cứu, triển vọng phát triển về chuyên môn...).
3.5. Có văn bằng hoặc chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ, cụ thể như sau:
a. Người dự tuyển là công dân Việt Nam, đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ thông thường, phải có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ sau:
Bằng tốt nghiệp đại học trở lên do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh; hoặc
Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; hoặc
Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên, được cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển; hoặc
Bằng tốt nghiệp đại học trở lên do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập không phải là tiếng Anh; hoặc bằng tốt nghiệp đại học do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp với chuyên ngành ngôn ngữ nước ngoài không phải là tiếng Anh; hoặc chứng chỉ tiếng nước ngoài khác ở trình độ tương đương (xem Bảng 4 - ) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Trong trường hợp này, người dự tuyển phải có thêm chứng chỉ trình độ tiếng Anh bậc 3/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (xem Bảng 5 - ) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
b. Người dự tuyển là công dân nước ngoài, đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ:
Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do một cơ sở đào tạo Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian tại Việt Nam; hoặc
Chứng chỉ trình độ tiếng Việt tối thiểu từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
3.6. Được giới thiệu dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ bởi cơ quan quản lý nhân sự (đối với người đã có việc làm) hoặc cơ sở đào tạo (nơi sinh viên vừa tốt nghiệp); hoặc được xác nhận nhân thân bởi chính quyền địa phương nơi cư trú (đối với người làm nghề tự do). Riêng người dự tuyển là công dân nước ngoài có thể được giới thiệu bởi cơ quan quản lý nhân sự, cơ sở đào tạo bậc đại học/thạc sĩ hoặc đại sứ quán.
4. Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh
1. Phiếu đăng ký dự tuyển (01 bản theo mẫu);
2. Sơ yếu lý lịch cá nhân, lý lịch khoa học có xác nhận của cơ quan/chính quyền;
3. Bản sao Văn bằng tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ và bảng điểm có công chứng.
Các văn bằng và bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng tiếng Việt và có xác nhận của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào Tạo;
4. 01 bản gốc và 05 bản sao của thư giới thiệu;
5. 06 bản đề cương về dự định nghiên cứu của thí sinh dự tuyển;
- Minh chứng kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Gồm 06 bản sao các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố (đóng thành tập, ghi tên và kê khai danh mục ở trang bìa), cụ thể:
+ Đối với bài báo: bản sao trang bìa, mục lục và nội dung bài báo;
+ Đối với đề tài nghiên cứu khoa học: bản sao Quyết định/Hợp đồng thực hiện, Biên bản nghiệm thu đề tài, Bản tóm tắt nội dung chuyên đề nghiên cứu (đối với người tham gia và có xác nhận của chủ nhiệm đề tài);
- 02 ảnh 3x4 và 02 phong bì dán tem ghi rõ địa chỉ, điện thoại liên hệ;
- Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ học tập, nghiên cứu và chế độ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định.
6. Giấy chứng nhận sức khỏe (của bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế, không quá 3 tháng);
(Thí sinh phải mang theo văn bằng chính để đối chiếu và kiểm tra. Hồ sơ sau khi nộp nhà trường sẽ không trả lại).
5. Thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ
5.1. Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ ngày: 01/02/2019.
5.2. Địa điểm phát và nhận hồ sơ: Viện Đào tạo Sau đại học - Trường Đại học Đông Đô, số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
5.3. Liên hệ: Điện thoại: 024.3771.9960; Hotline: 094.775.2639
5.4. Lệ phí xét tuyển: 2.000.000 đồng/1 thí sinh.